Bối cảnh Vụ_án_Xét_lại_Chống_Đảng

Vào tháng 9 năm 1953, Khrushchyov được bầu làm bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, ông đã đọc báo cáo về sự sùng bái cá nhân của I.V. Stalin. Ông chủ trương chung sống hòa bình với thế giới Tư bản ("Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung")[7]. Đường lối của Khrushchyov bị Trung Quốc, dưới thời Mao Trạch Đông, chống lại và gọi là "Chủ nghĩa Xét lại".

Tại Việt Nam, đảng viên cộng sản phân hóa thành hai nhóm, một nhóm chấp nhận chính sách xét lại của Khrushchev (chủ trương tạm thời sống hòa bình với Hoa Kỳ), không phát động chiến tranh vũ trang giải phóng miền Nam mà cho rằng phải xây dựng nền tảng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trước khi đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Họ hi vọng có thể thống nhất hòa bình như Hiệp định Genève quy định; ngược lại, nếu phát động đấu tranh vũ trang sẽ đẩy Hoa Kỳ nhảy vào trực tiếp tham chiến, và khi đó chẳng những sẽ thất bại mà còn làm mất lòng Liên Xô. Nhóm kia ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, muốn theo đuổi chính sách cứng rắn của Mao Trạch Đông, ủng hộ tổ chức ngay chiến tranh giải phóng miền Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng phát biểu chỉ trích Liên Xô và nhóm "chủ hòa" rằng: "Chúng tôi không ảo tưởng và không đánh giá thấp Mỹ, có điều chúng tôi không sợ. Nếu ai đó cứ cho rằng kiên quyết chống Mỹ là sẽ thất bại và dẫn đến chiến tranh hạt nhân, thì chỉ còn có cách đầu hàng chủ nghĩa đế quốc". Trong hồi ký "Tử tù tự xử lí" của Trần Thư, ông mô tả lúc bấy giờ "tâm lý chủ chiến bao trùm xã hội miền Bắc"[8][9] Trong giai đoạn 1954-1959, theo BBC Việt ngữ, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ủng hộ ý kiến của nhóm đầu tiên vì cơ hội thi hành Hiệp định Genève vẫn còn[8], đến sau năm 1959, khi cơ hội thi hành Hiệp định Genève không còn thì hai người ủng hộ quan điểm của nhóm kia.

Xung khắc giữa Hà Nội và Moskva đưa đến Liên Xô làm áp lực, đe dọa cắt viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan hệ Việt-Xô chỉ cải thiện sau khi Brezhnev lên thay thế Khrushchyov năm 1964. Liên Xô sau đó lại viện trợ cho Hà Nội dồi dào trong cuộc ganh đua ảnh hưởng quốc tế với Bắc Kinh.[10]

Trong khi đó tình hình tại Việt Nam giữa hai miền Nam Bắc từ năm 1960 trở đi đã khiến Hiệp định Genève coi như không thể thi hành được nữa. Hội nghị Trung ương lần thứ 9 tháng 12 năm 1963 cuối cùng chính thức thừa nhận đấu tranh vũ trang là hình thức đấu tranh chủ yếu, kêu gọi các lực lượng cách mạng miền Nam tìm cách giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất, nhưng không đưa quân chủ lực từ miền Bắc vào chi viện để không tạo cớ cho Mỹ nhảy vào. Nghị quyết này cũng đòi hỏi Đảng dẹp mọi hành động chống đối bằng cách loại bỏ những thành phần không tuân phục.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_án_Xét_lại_Chống_Đảng http://viet-studies.info/kinhte/HaNoiWarReview_Jul... http://nghiencuuquocte.net/2013/08/20/chu-nghia-xe... http://www.viettidemagazine.net/index.php?option=c... http://danluan.org/node/2293 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/anti-party-... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-anti-pa... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-anti-pa... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-anti-pa... http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6937&r... http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&...